Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Phút giây lặng lẽ



Phút giây lặng lẽ

Có ai đó nói Sài Gòn không đẹp,
Rất khô khan, không lãng mạn chút nào.
Ôi không đâu, vẫn có những xuyến xao.
Phút lặng lẽ ngắm chiều, cây rụng lá.
Quên ngày trôi, quên nắng vàng yên ả,
Sưởi ấm người, sưởi ấm những cô đơn.
Phút lên đèn, thành phố dịu dàng hơn.
Cà phê ấm kỷ niệm nào ngọt, đắng.
Dòng sông chảy giữa hai bờ xa vắng,
Có nhớ chuyến phà năm trước, mới vừa xa?
Sóng rì rào hay tiếng hát ngân nga,
Như đang kể những chuyện đời bình dị.
Tàu nằm im, sóng vỗ về, thủ thỉ.
Sau chuyến đi dài, tìm lại những bình yên.
Có thể không yêu Sài Gòn trong giây phút đầu tiên,
Mà tình cảm từ trái tim, không thể nào quá vội.
Thời gian qua đi và những điều đọng lại,
Sẽ cho thành phố này thêm mãi những tình yêu.


TpHCM 10-11-2012


Hơn 20 năm sống ở đây, mình yêu Sài Gòn mất rồi. Thỉnh thoảng vẫn nhớ, vẫn mong về Hà Nội nhưng tình yêu với HN thì dường như không còn nữa. Vậy mà ngày xưa, hồi còn "ngây thơ", mình cứ cho rằng luôn luôn yêu HN, đúng là vô thường, mình đã thay đổi suy nghĩ.

Sài gòn, người ta cứ nghĩ về nơi này như một chốn ồn ào và xô bồ. Ấy thế mà sau 20 năm, mình lại cảm nhận một Sài gòn khác hẳn, SG có nhiều thứ mà những nơi khác không có. Rồi một ngày mình viết trong tĩnh lặng, được vài câu thì người nhà về và phải ra mở cửa, mạch thơ đứt, chịu không viết được nữa. Vì tiếc nên một ngày mình quyết định phải đi tìm cảm hứng bằng cách xách xe đi lòng vòng SG. Này bến Bạch Đằng có những con tàu neo đậu, bến còn đây mà con phà đã rời đi rồi, về nhà mình viết "có nhớ chuyến phà năm trước mới về hưu". Buồn cười quá vì từ này nhưng mà sau khi viết tiếp thấy không ổn lắm và sửa lại. Viết xong thì thích, thích lắm ý. Yêu SG nhiều.

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Có lẽ mùa mưa năm nay đến muộn

Có lẽ mùa mưa sẽ đến muộn vì đến bây giờ, giữa tháng tư, những quả sao trên cây vẫn còn xanh, thậm chí còn có cả nhiều quả non nữa. Mọi năm vào tầm này là những quả sao đã khô rồi, chỉ chờ những cơn gió mùa tây nam là sẽ hiến dâng một vũ điệu tuyệt vời, bay vút trong không gian trước khi rời khỏi cành. Năm nay, để quả sao khô và chuyển sang màu vàng nâu thì chắc phải một vài tuần nắng nữa. Nắng vẫn đầy ăm ắp, vẫn chang chang khắp các nẻo đường, nắng ngủ trên dòng sông, ôi, nắng Sài gòn.

Không nhớ từ khi nào, năm nào, mình bắt đầu chú ý đến quả sao. Mình thích ngắm quả sao xoay xoay trong không gian, chao liệng rất đẹp mắt. Nhiều người bảo rằng sao mình lãng mạn. Hình như không phải, đó là những vẻ đẹp mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta, có lẽ nào lại không tận hưởng, không say đắm vì nó.

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Một giấc mơ lạ

Hôm vừa rồi mình mơ, một giấc mơ lạ. Mình mơ thấy một người họa sĩ dùng hai bàn tay để vẽ, không dùng cọ. Người trong giấc mơ đó dùng tay nhúng vào màu vẽ và làm cho nó lan ra thành cây, thành rừng. Tỉnh giấc, mình không giải thích được tại sao mình lại có giấc mơ ấy. Nếu đó là do tiềm thức thì chắc chắn mình cần phải tìm tòi và học về vẽ nhiều hơn nữa chăng? Mình đã định thử làm lại theo trí nhớ của bộ não về giấc mơ nhưng rồi lại không làm được, đủ thứ việc, haiza.

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Niềm vui nho nhỏ

Sau ngày chủ nhật quá bận rộn vì em dâu và em trai ốm, chiều lại có khách quý là chị gái mới ở HN vào cùng mẹ chị đến chơi. Dù mệt lăn nhưng mà vui, vui lắm. Nghĩ lại thấy may vì không đi Đồng Tháp với nhóm từ thiện mà cũng không đi Lái Thiêu mua chậu cây hay đi nghe nói chuyện về đề tài tâm linh. Lẽ ra chủ nhật vừa rồi có rất nhiều chương trình, cuối cùng thì vẫn ở nhà.

Sáng thứ 2 đi làm, vì phải đi mua thịt để nấu cháo nên lên muộn. Khi ngồi vào bàn thấy một túi quả bơ, đoán đoán một lúc thì nghĩ đến cậu em trong công ty, gọi điện lên XN em ấy để cảm ơn thì không ai nghe cả, định nhắn tin rồi nghĩ sao đó nên thôi. Không phải vì tiếc vài trăm đồng cho một tin nhắn mà vì muốn nói trực tiếp, muốn nói chuyện. Bây giờ thời gian dành cho thế giới ảo có vẻ nhiều quá, vì thế mình nhất định không nhắn tin và gọi điện thoại nội bộ tới chỗ em ấy để nói lời cảm ơn.

Đầu tuần có niềm vui, mong sao cả tuần đều vui. Mỉm cười nào.

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Lớp mới, buổi đầu tiên

Tối qua lại "hành xác" đi vẽ. Trời thì mưa nhưng đã định đi học và mang đạo cụ theo rồi nên quyết định vào học. Nói chuyện một lúc và nghe lý thuyết rồi thầy bảo mình chép tranh. Cái việc này mình chưa từng làm, mà lại đi nét theo kiểu đánh khối thấy cũng khó. Ngồi từ 6g30 đến 8g30 mới làm được chừng 1/3. Mình quen vẽ tĩnh vật qua mẫu trưng bày chứ chưa chép tranh bao giờ. Đi nét kiểu thế này mình cũng thích lắm mà chưa làm được. Với lại nó là thói quen rồi, khó sửa. Hồi học ở Hội MT và thầy Tiến, có thầy nào gò mình đánh nét thế này đâu, giờ mà luyện lại oải quá. Tuần sau lên mình phải xin thầy học màu cho được. Nhưng mà nghĩ lại rồi, chắc cũng chỉ học lớp này cho hết tiền đã đóng và sẽ quay lại học thầy Tiến tiếp. Thầy trò nói chuyện cũng hợp nhau.

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Không thể dừng lại

Chiều hôm qua quay lại lớp vẽ đường Nguyễn Duy, mình có hy vọng. Nói chuyện với thầy 5 phút và nói là trước đây học thầy Tiến, thầy bảo có biết, còn nói thầy Tiến vui tính lắm, còn nói thầy Tiến chỉ màu hay lắm đó. Đúng thế, gặp được thầy Tiến mình cũng mừng lắm nhưng bây giờ xa xôi quá. Điểm nữa là mình muốn học màu trước rồi mới học đầu tượng, phòng học của thầy thì nhỏ, chuyên luyện thi.

Cân nhắc nhiều lắm vì mình biết bản thân mình (không phải như Trương Quang Bình nghĩ), đi học tốn kém thời gian tiền bạc vậy rồi có làm được gì không, tự học có được không. Con đường tự học là con đường rất gian nan nhưng rất thú vị. Tranh mình làm, ừ theo con mắt của Trương Quang Bình là nó bảo là chưa được đâu. Về vấn đề này mình không ok lắm, vì như theo con mắt của B thì Mai Phương Thúy đẹp, đẹp lắm, tỷ lệ chuẩn không chê vào đâu được nhưng mình thì chả thấy MPT đẹp chỗ nào. B nó còn nói xem tranh, nhìn nhiều thật nhiều và có học về tỷ lệ sẽ tự thấy đẹp mà không cần đo cũng biết. Ờ, nhưng mà cái ông này như bị đóng khung ý. Ổng coi những điều các họa sĩ bậc thầy làm là chuẩn hết, bất di bất dịch. Mình thì chẳng thế, chẳng thần tượng ai, học thầy, tôn trọng thầy nhưng không phải thầy là đúng hết, chuẩn tắp lự.


Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Các nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đang làm gì?

Sài Gòn dạo này ngập tràn mít Thái, ổi Đài Loan, bưởi năm roi thì không ngon bằng trước đây mà lại đắt. Hôm vừa rồi đi mua mít, mình vẫn ưng ăn mít ta (từ này là mới có trong thời gian "đổ bộ" của mít Thái), nó giòn giòn, dai dai, ngọt dịu dịu mà không khé lại rất thơm mùi vị của trái cây, điều mà mít Thái không có được. Mít Thái ngọt thì ngọt đấy, mà hơi gắt cái kiểu quá độ chín. Em bán mít bảo chị ăn đi chứ mai mốt không có mà ăn. Mình mới hỏi, sao thế nhỉ, mít mình cũng ngon mà. Em nói, mít Thái năng suất cao, không bị sâu nên giờ người ta trồng nhiều, nhưng mà như mít này (chỉ miếng mít ta mình đang mua) thì cũng ngon kém gì đâu. Mình ừ đồng tình.

Rồi thì ổi nữa, chẳng biết nó là từ đâu về, người bán dạo bảo là ổi Tây Ninh (thật không?), nhưng mẹ đi chợ hỏi thì người bán ở chợ bảo là ổi Đài Loan, vì thế mẹ bảo mình đừng có mua nữa vì mẹ sợ đồ TQ. Sự thật nếu là ổi Tây Ninh thì quá ổn rồi nhưng trước giờ chưa nghe nói TN có ổi ngon nhưng mà lại có đọc báo nói rằng hiện giờ ổi giống Đài Loan là ngon nhất.

Mới rỗi hơi ngẫm nghĩ chẳng biết các nhà khoa học NN VN làm gì mà để cho cây trái của đất nước mình lụi tàn mà không biết xót. Cái giống sầu riêng Chín Hóa, Sáu Ri rất ngon hiện nay là của nông dân Việt Nam nhé, hok phải của các bác khoa học. Buồn thay.

Bún đậu mắm tôm ở SG

Dạo này SG nhiều quán bún đậu mắm tôm quá thể. Mình ăn được mắm tôm nhưng không khoái món này lắm. Tuy thế vẫn đi ăn quán của em trong công ty mới mở. Ngon, sạch sẽ (từ trưa đến giờ bụng vẫn ổn).

Hôm qua đến khai trương quán với em nó, về nhà nhắn tin cho bạn Khanh, bạn bảo giờ người ta kinh doanh, làm thêm ngoài nhiều quá, hay là hai đứa mình mở quán ốc. Hihi, nghe mức lời hàng tháng 15tr cũng ham đấy nhưng khổ thay cả tháng biết có vào bếp được một lần trọn vẹn không hay toàn về nhà lúc cơm canh dọn sẵn, nấu không tốt làm sao mà bán hàng ăn chứ nhỉ. Gì chứ khoản ẩm thực mình chẳng tinh tế lắm, chỉ có quán nào nấu quá tệ thì mới cảm nhận được, với lại chả có tâm hồn ăn uống thì khó mà mở quán ăn.

Dạo này công việc ít, cũng buồn lắm, chẳng có cái hăng hái, say mê như trước. May là còn có chút vẽ vời nên tối tối vẫn luyện nét. Siêng năng vẽ hoa nên dường như tay cũng mềm hơn. Ờ, mà bảo làm gì bây giờ thì chắc mình chẳng có hứng thú bằng vẽ. Thơ ca thì lúc được lúc không, chỉ còn có vẽ là chưa thấy mất hứng. Dù sao thì cũng còn có cái để yêu, để mê. Mà tối qua làm được mấy bông sen bằng cánh hoa hồng ép khô, thấy hay lắm. Sáng nay đã nghĩ ra một ý tưởng khác, không dán lên giấy trắng nữa, sẽ dán cách khác. Ui, mình thích, thích.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Trắng và đen và xám


Trắng và đen và xám

Trắng và đen là hai đối lập màu,
Đứng cạnh nhau rất rõ ràng để thấy,
Trắng ra trắng và màu đen cũng vậy,
Không thể nhầm ngay cả tách rời nhau.
Còn màu xám kia thì không như thế đâu,
Nhìn ở xa không thể nào nhận rõ,
Khi nó đứng một mình bảo là trắng, bảo là đen có khi đều được cả.
Dù màu xám vốn là trắng, mà vẩy một chút đen.
Nhưng cứ đem màu xám kia để bên màu trắng thử xem.
Sẽ thấy rõ thế nào là màu xám.
Sẽ thấy nó hoàn toàn không phải là màu trắng,
Mà chỉ là màu trắng, mà vẩy một chút đen.

Sài Gòn 03-04-2013

Năm nay khai bút đầu xuân hơi muộn, từ đầu năm tới giờ mới viết được bài này. Thôi thì đành khai bút đầu hè vậy.
Viết lại những cảm nhận của riêng mình khi học vẽ chì. Màu sắc của tranh chì chỉ là đen và trắng, thường người ta hay nói vậy mà ít nói đến màu xám trong tranh chì. Muốn có màu xám, ta lấy một lượng kha khá màu trắng trộn với 1 tý xíu xìu xiu màu đen. Tuy nhiên chỉ cần một ít màu đen thôi là đủ rồi, thêm nữa là trắng cũng thành đen luôn, mà nếu muốn có màu trắng trở lại thì phải cần một lượng màu trắng cực lớn mới tạm gọi là đủ để không thấy sự hiện diện của màu đen. Mới có suy nghĩ, nếu coi màu trắng tượng trưng cho những gì tốt đẹp, tinh khôi thì màu đen là những góc tối, những điều xấu thì sao? Khi đó, nếu tâm hồn có chút vấy bẩn lên rồi thì rất khó để trở về trong sáng như ban đầu, tuy khó nhưng không phải là không thể, cần phải nỗ lực, nỗ lực rất nhiều.