Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Mùa xuân đầu tiên - Văn Cao

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng cho bao tâm hồn.

Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.

Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong Xuân vui đầu tiên.
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

Giờ dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.

Cứ mùa xuân về là mình lại rất thích nghe bài này, nhưng phải là Thanh Thúy ca cơ. Mình thích Thanh Thúy vì hình ảnh Thúy trong clip rất tuyệt vời, xinh tươi, trong trẻo, giọng ca và biểu cảm rất phù hợp với bài hát.

Không hiểu sao cứ nghe bài hát này, mình lại rưng rưng. Sau khi tìm hiểu về số phận của bài hát, lại càng cảm thấy yêu quý và cảm phục tác giả. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Bình thường nhưng lại là niềm mơ ước suốt bao nhiêu năm dài trong lịch sử trường chinh của nước Việt. Mùa bình thường ấy có gì đâu, chỉ là chút khói bay là là, tiếng gà gáy khi nắng trưa trải dài mặt sông lấp loáng ánh bạc. Mùa bình thường ấy có gì đâu, chỉ là sự sum họp của gia đình, là những giọt nước mắt ngày gặp mặt sau bao năm dài cách xa đằng đẵng. Không còn nữa những cuộc chia ly vì súng đạn, không còn nữa những đêm dài hành quân, không còn nữa những bữa ăn vội vàng, mọi thứ dần trở về bình thường như nó vốn là.

Mùa xuân năm nào chẳng đến theo sự xoay vần của vũ trụ, xuân hạ thu đông, ấy thế nhưng đây là mùa xuân đầu tiên mở ra nhiều niềm vui mới mà trước đây chưa từng. Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên, một cuộc đời êm ấm. Giờ đây khi không còn sự ngăn cách, mọi thứ mở ra, con người với con người là bạn, "từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người". Từng đó thôi nhưng được đổi bằng nước mắt và sự hy sinh bao thế hệ người Việt Nam suốt bao nhiêu năm dài.

http://www.youtube.com/watch?v=BxkTYEuLDrE

Sửa xe

Sáng qua chở mẹ đi khám định kỳ từ 5g, trời tối mò, bật đèn xe thì lóe lên rồi tắt, bị sao rồi, mới thay bóng mà. Chiều đi làm về chạy ngược lên hãng Yamaha.

Xe chị sao vậy, ờ, bóng đèn không sáng em xem giùm. Nói luôn là bóng vừa thay, thợ hỏi chị có phiếu không, phiếu chị để ở nhà rồi nhưng chị chắc chắn bóng mới thay cuối tháng 12. Vài phút sau em ghi phiếu như mọi khi nói, chị ơi xe chị dây điện bị chập cháy bóng rồi, chị mua bóng để thay. Mình dựng ngược, bóng mới thay mà, em cần chị nói ngày tháng không, em có thể dò sổ (mỗi lần khách đến đều có phiếu ghi 2 liên), ngày đó chị đi đám cưới về thì đèn cháy, chị nhớ khoảng thời gian đó rất rõ. Chị vào đây thợ giải thích cho chị hiểu, chị không cần giải thích gì hết (mình bắt đầu nóng), tại sao bóng chị vừa thay xong hơn 1 tháng mà nay bảo cháy là thế nào, bán đồ kiểu gì vậy. Vào trong phòng sửa đồ, thợ bảo, chị ơi dây điện bị chập em đã sửa rồi nhưng bóng cháy chị phải thay bóng thôi. Chị không chấp nhận chuyện đó, chị vừa thay xong nay em bảo cháy, vài bữa nữa nó bị lại chị lại thay tiếp sao, không có chuyện đó đâu. Thợ lớn tuổi đi tới hỏi lý do, thợ trẻ làu bàu (chắc sắp hết giờ làm, muốn về), cũng phải thay bóng thôi. Thợ lớn lại giải thích với mình. Không, tôi không chấp nhận thay bóng, không có lý do gì một cái bóng vừa thay hơn tháng trời đã hỏng. Xe đi từ cuối 2007 đến hết 2013 mới thay bộ bóng đèn.

Rồi mình đứng ngay phòng sửa chứ không thèm lên phòng chờ như mọi khi, lý do là tức và cầu thang lên phòng chờ cao, dốc, đi lên đi xuống với giày gót cao chẳng thoải mái gì. Thợ lớn đi ra nói mình lên lầu chờ, mình nói dạ thôi khỏi, tôi đứng đây luôn (vẫn rất nóng).

Thợ trẻ loay hoay một hồi thì đèn sáng, tổng thời gian sửa khoảng hơn nửa giờ. Rõ ràng là lười nhác, muốn bán đồ để vừa khỏi tốn công vừa thu tiền nhanh, nhiều. Những lần trước mình cứ nghe thay cái này cái kia là gật, một năm tốn hơn 1T tiền thay đồ cho xe. Riêng lần này thì không dễ móc tiền ra, vì 2 sự việc nó gắn với nhau và mới xảy ra nên mình nhớ khá rõ, làm gì có chuyện vừa thay xong lại bỏ tiền ra thay nữa.

Về đến nhà xe vẫn sáng đèn, không biết nó được bao lâu, và lại thấy ngay phiếu thay bóng ghi ngày 30/12/2013, dễ điên không?

Nhớ chuyện tháng trước Tết mới nhục chứ, xe tắt máy và mình phải dắt bộ gần 500m. May gặp được bố con bác thợ ở đầu Xô Viết Nghệ Tĩnh chỗ Hàng Xanh. Anh thợ tìm các kiểu lý do xe không nổ, mãi mới phát hiện ra ắc-quy hết điện. Bố của anh thợ hỏi, cô hay sửa ở đâu, con phụ nữ có biết gì xe cộ đâu ạ nên cứ mang ra hãng. Bác ấy cười hỏi tiếp, thế mỗi lần ra họ lấy bn tiền, 45 ngàn đó ạ. Bác thợ bảo lần sau cứ mang ra đây, dạ. Mình nghĩ xe vừa đi bảo dưỡng chứ có lâu đâu, sao ở đó thợ mở ra mà không biết ac-quy yếu. Lẽ ra hôm qua sẽ mang đến Hàng Xanh cho bác ấy xem nhưng vì cái bóng mới thay ở hãng, nên quyết định đến hãng. Mang tiếng hãng lớn mà làm ăn thế đấy.

Về nhà kể cho em trai nghe sau bữa cơm, hắn bảo bởi vậy nên tay nghề càng ngày càng kém, chỉ thích thay đồ cho khách để nhanh có tiền.

Thế đấy, bài học là phải giữ lấy cái phiếu thu, cũng cần biết thời gian sử dụng của những món đồ, lơ mơ là cứ móc tiền và còn bỏ phí món đồ vẫn dùng tốt.