Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Đau và phản ứng

Hôm thứ 2, buổi trưa không ngủ do làm gấp dự án, tập trung đến 5g chiều nên khi vào buổi thiền mình khá mệt. Khi ngồi, cơn đói và cái đau nổi lên dữ dội hơn những buổi trước, nhất là vào những phút gần cuối. Bao nhiêu mong chờ thông báo xả thiền của thầy, bao nhiêu sự chống cự với cảm giác đói và cái đau ở đầu gối và mông trồi lên. Tâm nổi loạn, phản ứng và mình thấy nóng, khó chịu, bứt rứt. Nhưng một giờ cũng trôi qua và xả thiền xong thì lắng dịu. Tâm thật lạ, nó chỉ thích vui, chỉ đi tìm cảm giác thoải mái dễ chịu.

Hôm sau, thứ 3, cũng làm cả ngày nhưng trưa có ghé lưng nghỉ một chút và đến buổi thiền mình rất thoải mái, không hề có cảm giác đau dữ dội như hôm trước, nghĩ là mình đã ổn rồi nhưng không hề.

Thứ 4, là buổi cuối của khóa thiền,  Sư nói đi sớm nửa giờ thì sẽ ngồi được 1 giờ vì thời gian thực hành rút ngắn lại. Mình ra khỏi công ty sớm và đến cũng sớm khoảng gần nửa giờ, thế là so với thời gian như mọi ngày, mình lại cộng thêm 15-20 phút. Ôi, những phút cuối này thật sự có giá trị với mình, nó thách thức sự chịu đựng của mình. Dường như tâm đã được huân tập với thời gian cũ, nó dễ chịu, nhưng sau đó, như thể một lời hứa bị lãng quên, nó điên lên, các ý nghĩ cuồng loạn xuất hiện, nó nói khó chịu quá, đau quá, không thể chịu được. Tiếng nói ở chỗ này chỗ kia nổi lên, chân nói, lưng nói, hông nói, trong tâm trí vang lên tiếng kêu đau và rên. Rồi cũng có tiếng nói của sự chịu đựng, sự động viên cố gắng "Thủy ơi, cố gắng lên". Rồi nóng nữa, cảm giác muốn sốt, rồi cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt thỉnh thoảng xuất hiện. Đôi khi cũng có cảm nhận được máu chảy trong cơ thể và có cái gì đó muốn bứt ra khỏi thân xác này. Lại nhớ chú tâm vào hơi thở, và tiếp tục giữ bình an được một chút, nhưng cái đau nó không buông tha, nó lại nói, nó gào thét, tâm nói sao mãi chưa xả thiền nhỉ, tại sao ngồi đây, bỏ chạy đi dù sao cũng đã ngồi hơn người khác rồi (khi mình vào ngồi chỉ có 1 cô, mãi sau mọi người mới vào thêm)... và nhớ lại chuyện mà Ajahn Brahm kể về các tu sĩ Tây phương khi hành thiền, mình thấu hiểu cảm giác này. Và rồi, trong một thoáng giây mà mình cảm giác không thể chịu đựng nổi nữa, mình nói Sư chưa cho xả thì mình xả, nghĩ vậy thôi chứ cũng không buông chân. Nhưng ngay khi ý nghĩ có từ "xả" xuất hiện, lập tức cơn đau giảm đi một chút và khi Sư nói xả thì mình không còn cảm giác đau nữa, vẫn muốn chiến đấu tiếp.

Bằng sự trải nghiệm của chính mình, mình cảm nhận rằng, khi có suy nghĩ không thích một điều gì đó, một cái gì đó, phản ứng trên thân sẽ là tăng nhiệt, bằng chứng là mình có cảm giác nóng, muốn sốt khi chống lại cái đau. Mình tin là mình nghĩ đúng vì khi giận thì người sẽ rất nóng, bừng bừng. Nhưng giận là phản ứng biểu hiện quá mức rồi, dễ nhận biết, còn khi hơi bực bực thì khó hơn nhiều. Điều này chỉ được biết khi ngồi thiền, đối diện với cái đau, tâm lý này mới hiển lộ, không dễ.

Sáng nay đọc bài phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Sư nói và trong các sách của Sư không nói gì về cái đau, chỉ nói về cảm giác hạnh phúc. Nhưng mà mình tin những điều Ajahn Brahm nói thì nhiều sự thật hơn, bộc lộ nhiều hơn.

Mình đang chờ lớp tới, nếu đủ điều kiện, mình sẽ thực nghiệm tiếp và cố gắng chiến thắng bản thân, con đường còn dài. Hy vọng.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

Học Thiền

Hôm qua là ngày thứ 4 rồi, ngồi được 1 giờ và hơn một chút. Sự khó chịu đến chậm hơn không biết có phải do mình chọn tư thế ngồi thoải mái hơn hôm qua hay là sức chịu đựng tăng lên, có vẻ như do tư thế nhiều hơn. Nhưng dù có thoải mái thế nào thì sự khó chịu trong thân vẫn đến, nó vẫn đến, nhanh hay chậm mà thôi.

Tâm vẫn lăng xăng, ý nghĩ thỉnh thoảng vẫn đi ra khỏi phòng thiền, nhưng nhờ có phương pháp của Đức Phật được các Sư truyền dạy mà điều hướng lại được. Có lúc cảm giác nhột nhột nơi má, có lúc cảm giác đau nơi đầu gối, có lúc cảm giác lại nóng nóng... những cảm giác cứ trồi lên, rồi biến mất, nơi này nơi khác trên thân. Trải nghiệm về sự vô thường, sự biến dịch.

Sau giờ thực hành, Sư và trợ giảng giảng về lý thuyết, ứng với bài tập vừa thực hành xong, nó thấm vào con người mình ngay lập tức cho dù hàng ngày, vào giờ này là mình đã đi ngủ rồi, nhưng vì những bài giảng quá hay nên mình chống đỡ sự buồn ngủ không khó khăn gì mấy, hơi mỏi mắt một tý.

Bạn trợ giảng còn trẻ, bạn nói trong 5 triền cái trói buộc thì triền cái Sân gần với bạn nhất và do đó bạn sẽ có nhiều thứ để chia sẻ hơn cả. Từ khi tìm được phương pháp đúng, sửa cái tâm của mình, bạn mất 3 năm mà chỉ thay đổi 0,25. Kinh khủng. Mình thì tâm Sân không lớn nhưng rất dày, mình phải nỗ lực bào mòn nó đi, từng chút, từng chút một, không có cách nào khác. Sách vở, những gì các bậc trưởng lão đã viết phải tạm thời quên đi để tự mình thực chứng.

Sáng nay trên đường đi làm, nhớ về những gì Sư dạy, mình rơi nước mắt vì thương chính mình, thương cho thân phận con người. Tranh đấu hơn thua rất nhiều nhưng cũng không thể thoát ra khỏi sự chết. Khi đó, những của cải vật chất tích góp bao năm không thể mang theo, không thể.

Biết vậy nhưng ngày nào còn mang thân thể này, còn phải lo cho nó mạnh khỏe và an toàn, nhờ nó mà tâm mới có nơi tránh trú để còn tu, để rồi một ngày nào đó tu giỏi sẽ tìm đường tự mình đi ra những trói buộc, tự mình cởi những nút thắt trong tâm mình, để sống hạnh phúc và an lạc.

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Opaque colors

http://www.seamlessexpression.com/blog/2016/12/23/working-with-opaque-watercolor-pigments-pt-2

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Rùa và cá

Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mãi mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì rày lâu rùa đi dạo trên đất liền.
Cá hỏi: “Chào chị rùa, chị đi đâu mà mấy hôm rày tôi không gặp?”
– Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời.
– Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.
Bản tánh ôn hòa, Rùa nhỏ nhẹ đáp:
– Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt. Không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, chỗ mà tôi đi mấy hôm rày đất khô thật.
– Này chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?
– Không, đất khô không ẩm ướt.
– Đất khô có mát mẻ và êm dịu, dễ chịu không?
– Không, đất khô không mát mẻ và êm dịu, dễ chịu.
– Đất khô trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?
– Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.
– Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?
– Không, đất khô không mềm mại, dịu dàng và mình không thể bơi lội trong lòng đất.
– Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?
– Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.
– Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt không? Cá rất bực mình với loạt câu trả lời “không, không, …” của rùa.
– Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời.
Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng và vang lên:
– Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa! Tôi đã bảo rằng đất khô của chị là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và chị đã xác nhận rằng đất khô và không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu và không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được, không mềm mại và dễ chịu để mình có hể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi thành dòng, cũng không nổi sóng và cũng không tan rã thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?
Rùa đáp:
– Được, tốt lắm. Này chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô, không có gì hết, thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là không có gì hết, hư vô. Nói là hư vô bởi vì chị không bao giờ biết.
Đến đây, rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô…
(Truyện cổ Phật Giáo)

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Bán tranh

Mình quyết định bán những bức tranh đã vẽ. Ban đầu thì cũng chỉ định bán bức Nhà của Pao, vẫn ảo tưởng rằng bán được giá cao theo lời thầy "dụ", nhưng mà, hihi, có thể bán được với giá cao thì phải làm được ít nhất 5 bức như thế, có khi 5 bức bán được 1 là may rồi. Sau khi "giác ngộ", mình mới liều một phen đăng bán tranh trên trang fb của mình. May quá là được vài người bạn ủng hộ, mình cũng không nhân danh làm gì cả, cho ai cả, mình chỉ nói bù tiền làm khung, mà đúng là mình chỉ bù tiền khung thôi, sự thật là thế vì khung mình làm chỗ uy tín nên khá đắt, bù lại chất lượng đảm bảo, mình thích vậy, cố gắng chỉn chu hết mức có thể. Mình biết mình còn chưa hoàn thiện, nhưng mình đang đi tới hướng đó, nhiều khi cũng tự trách bản thân sao khó tính, tự làm khó mình, cũng chỉ thế thôi, rồi lại vẫn khó tính.

Ừ, bán được mấy bức tranh, cũng từ từ nhận ra rằng cái gì, điều gì khiến người ta mua tranh của mình, đang khi mình không phải họa sỹ, học kiểu "chắp vá", đúng nghĩa của từ này mà tranh thì cũng chưa có gì xuất sắc, ý tưởng chưa rõ ràng, bố cục chưa chặt chẽ... Một bạn mua tranh của mình thì nói rằng bạn thích tranh gốc, không biết tác giả ra sao, nhưng mà tranh phải là tranh gốc. Mình hoàn toàn đồng ý vì mình không thích chép tranh. Cũng có thể có nhiều lý do khác mà đôi khi chỉ là cảm xúc thích và không thích.

Ừ, thì bán được mấy bức tranh, có thêm được chút tiền giúp ai đó còn khó khăn, còn thiếu may mắn. Mình thì đang có quá nhiều may mắn, tự thấy vậy, biết đủ là được rồi.

Ừ, thì bán được mấy bức tranh, cũng có thêm chút động lực phấn đấu, vẽ ngày càng đẹp hơn và sâu sắc hơn trong cảm nhận. Hồi trước mình nghĩ bán tranh như bán con của mình, đứa con tinh thần, cảm thấy không nỡ, nhưng mà bây giờ mình lại có suy nghĩ, nếu không bán, mình không biết người bên kia muốn gì, và làm sao để mình đáp ứng cái muốn ấy, mình sẽ không khai mở được hết cái hay cái đẹp trong con người mình. Và quyết tâm, mình cần phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, phải đi tới thôi. Cố lên nào.